Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

nấu thế nào để giữ chất lượng thực phẩm

Bạn không nên nấu rau củ lâu quá. Bạn nấu càng lâu thì rau càng mất nhiều dưỡng chất.

Sveta Bhassin, một chuyên gia dinh dưỡng ở Mumbai (Ấn Độ), đã đưa ra những lời khuyên sau nhằm giúp bạn vẫn giữ được dinh dưỡng của thực phẩm khi nấu. Đó là:

* Bạn không nên nấu rau củ lâu quá. Bạn nấu càng lâu thì rau càng mất nhiều dưỡng chất. Rau xanh bạn nên nấu nhanh và không cần nêm nếm gia vị nhiều.
* Hầu hết các loại rau đều ít nhiều còn thuốc trừ sâu phủ lên trên nên bạn hãy ngâm rau trong nước muối hoặc dung dịch nước rửa rau trước khi dùng.


Không nên hâm đi hâm lại thức ăn, sẽ làm mất chất thực phẩm

* Hành tây là nguồn giàu quercetin, chất chống ô-xy hóa quan trọng. Nhưng sai lầm là ở chỗ chúng ta thường thái hành ngay trước khi dùng nó. Thường thì hành nên được thái ra và để như vậy trong ít nhất 10 phút trước khi nấu vì quá trình ô-xy hóa giúp kích hoạt quercetin.

* Sữa mua tại nông trại chưa được tiệt trùng nên được đun sôi trong ít nhất 10-15 phút ở nhiệt độ sôi để diệt vi khuẩn.

* Hạn chế hâm thực phẩm vì hâm làm mất dưỡng chất của thực phẩm.

* Trước khi trữ thực phẩm vô tủ lạnh, bạn hãy dùng miếng giấy nilon bọc ra ngoài để tránh làm lẫn mùi vị với nhau.

* Không bao giờ dùng nồi và chảo có sơn phết, trang trí. Một số làm từ chì và chất độc hại có thể gây rối loạn tiêu hóa.

* Dùng nồi nhôm nấu có thể làm tăng hàm lượng nhôm trong các mô não vì rất khó thải chất nhôm ra khỏi cơ thể. Những ai mắc bệnh Alzheimer (một dạng bệnh mất trí nhớ) thường có hàm lượng nhôm trong mô não cao.


Theo Thanh niên/The Times of India

thức ăn nhanh dùng sao cho đúng

Thức ăn nhanh (fast food) là từ dùng để chỉ những loại thức ăn được chế biến nhanh và làm sẵn, có thể ăn trong thời gian ngắn, thậm chí tranh thủ vừa đi vừa ăn.

Thức ăn nhanh được thiết kế từ những thực phẩm giàu năng lượng nhằm cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho một ngày lao động nhẹ. Đây là một đặc trưng của lối sống công nghiệp hiện đại bận rộn, việc ăn uống cần ít thời gian và công sức. Một số thức ăn nhanh đặc trưng du nhập từ nước ngoài vào Việt nam là bánh hamburger McDonald’s, gà rán KFC – Kentucky Fried Chicken, khoai tây chiên, bánh pizza, bánh mì sandwich kẹp đồ nguội, hotdog, … Và các loại thức ăn nhanh ít phổ biến hơn, được Việt Nam hóa như cơm trộn, mì trộn, xôi mặn…


Hãy gọi ly nước ngọt nhỏ để phối hợp làm tăng khẩu vị cho bữa ăn


Thành phần bánh hamburger là một chiếc bánh mì sandwich kẹp với 1-2 miếng thịt xay chiên giòn, ít cà chua và rau xà lách, gia vị đi kèm là tương ớt, tương cà chua hoặc sốt khác… Nước uống đi kèm thường là nước ngọt có ga. Những miếng thịt gà to bọc bột xù chiên giòn, khoai tây chiên và ly coke là một bộ KFC cổ điển. Hotdog là bánh mì ổ mềm kẹp 2 cây xúc xích chiên. Bánh pizza làm từ bột nướng phối trộn các loại phô-mai, jambon, xúc xích, thịt sốt…

Với thành phần nguyên liệu và cách chế biến như trên, có thể nhận thấy một số đặc điểm chung của thức ăn nhanh là nhiều đạm, nhiều béo, nhiều năng lượng và ít rau. Các chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho biết, dầu được sử dụng để chiên rán KFC là dầu được hydro hóa, có khả năng kích thích sự thèm ăn của người sử dụng và gây ra tình trạng “nghiện”. Các món này rất ngon miệng nên một người có thể dùng một lúc 2-3 phần. Đây là điều kiện để năng lượng dư thừa tăng thêm, là nguồn gốc gây ra chứng béo phì, nhất là trong cuộc sống tất bật thiếu thời gian và điều kiện vận động như hiện nay.


Thật ra, không ai phủ nhận sự ngon lành và tiện lợi mà thức ăn nhanh mang lại cho con người. Bằng chứng là các nhà hàng thức ăn nhanh mọc lên ngày càng nhiều và luôn tấp nập dù giá thành không rẻ. Hình ảnh một người vừa đi vừa xách túi thức ăn nhanh hoặc vừa chạy xe vừa ăn rất phổ biến ở các nước phương Tây, còn ở Việt nam thì đa số là thưởng thức tại chỗ ở các nhà hàng máy lạnh mát mẻ. Các bạn trẻ là đối tượng chính của dạng công nghiệp thực phẩm này, và các nguy cơ cho sức khỏe sẽ luôn “rình rập” các “fan cuồng nhiệt” của thức ăn nhanh. Vì vậy bạn cần phải biết cách sử dụng hợp lý dạng thức ăn này



Nguy cơ cho sức khỏe sẽ luôn “rình rập” các “fan cuồng nhiệt” của thức ăn nhanh

Đối diện một hộp thức ăn nhanh còn nóng hổi, bạn hãy từ từ thưởng thức nó. Hãy ăn chậm, nhai kỹ nhiều lần để thưởng thức trọn vẹn cảm giác khoái khẩu, đồng thời việc đưa thức ăn từ từ vào dạ dày sẽ giúp cơ thể có thời gian để tăng đường huyết, tạo cảm giác no và chúng ta sẽ không cần thiết dùng thêm một suất nữa. Nếu ăn nhanh, bạn sẽ có nguy cơ ăn vào quá nhiều trước khi có cảm giác no.

Hãy gọi ly nước ngọt nhỏ để phối hợp với loại thức ăn chiên khô khan làm tăng khẩu vị cho bữa ăn, nhưng đừng đổi thành ly lớn như lời mời của các cô bán hàng nhé. Nếu bạn không cần bồi dưỡng tích cực thì bình thường chỉ nên dùng 1 suất thức ăn thôi. Nếu còn đói hãy ăn thêm thức ăn khác như tô bún nước trong ít thịt nhiều giá, trái cây…
Bữa ăn kế tiếp trong ngày cần nhớ là chúng ta đã ăn nhiều đạm và béo, thiếu rau và vitamin, vì vậy nên bù lại bằng bữa ăn đủ chất bột đường, ít chất đạm hơn, hạn chế tối đa chất béo bằng cách ăn món hấp, luộc; ăn thêm nhiều rau và trái cây ít ngọt. Tùy vào tình trạng dinh dưỡng của bản thân mà bạn quyết định tần suất sử dụng thức ăn nhanh của mình trong tuần. Nếu bạn có cơ thể cân đối, có thể một tuần hai ba lần ghé vào hàng thức ăn nhanh. Nếu bạn thừa cân, phải rất cân nhắc khi chọn loại thức ăn không phù hợp này.



Tự làm gà rán tại nhà

Chọn mua thịt gà đã qua kiểm dịch tại siêu thị. Rửa sạch với muối và để ráo. Chặt miếng bằng bao diêm hoặc lớn hơn. Chiên vàng đều. Làm nước sốt gồm nước mắm ngon, đường, bột nêm. Đun nóng chảo, cho nước sốt vào đun sôi, cho gà vào lăn đều tới khi nước sốt sền sệt là được.

Thức ăn nào cũng vậy, có mặt lợi và mặt hại, nên tự chế biến để đảm bảo liều lượng và vệ sinh. Các bà mẹ chính là người cần tỉnh táo và “cầm chịch” để trẻ em không sử dụng thức ăn nhanh thường xuyên, vì sự mất cân đối thành phần dinh dưỡng của chúng sẽ dẫn đến sự phát triển cơ thể không tốt nếu sử dụng thường xuyên.

Có thể trẻ không chỉ mê gà rán mà còn thích được vui chơi tại nhà hàng mát mẻ hoặc được cùng ăn với bố mẹ…

Một đặc điểm khá lạ của thức ăn nhanh là càng ăn càng ghiền. Vì vậy cần kiên quyết từ đầu. Giai đoạn tuổi nhỏ là lúc tạo nên thói quen ăn uống cho trẻ.

Nếu trẻ quá ghiền thức ăn nhanh thì chúng ta phải giải thích rõ ràng các tác hại để hạn chế các đòi hỏi, yêu cầu quá đáng của trẻ. Cần quy định rõ ràng như một tuần chỉ được ăn một hoặc hai lần và cố gắng thực hiện đúng.


Theo BS. CK1 Đào Thị Yến Thủy
Nguồn: Xinhxinh.com.vn

mẹo vặt trong chế biến thức ăn

Trong vô vàn món ăn của nền ẩm thực Việt Nam, mỗi cách chế biến đều có những bí quyết riêng để giúp người nội trợ dễ dàng thực hiện thành công cho từng "tác phẩm" của mình. Và khi luộc gà, tráng trứng hay rang cơm... hãy áp dụng những mẹo vặt này, gia đình bạn sẽ có bữa ăn rất ngon miệng và đẹp mắt.

Rán khoai tây giòn và căng bóng


Khoai tây gọt xong, thái con chì hay khoanh tròn (tùy sở thích và mục đích sử dụng). Ngâm khoai trong nước lã có pha muối, chanh hoặc giấm cho trắng. Vớt khoai ra để ráo, lau khô rồi phết sơ một lớp dầu lên khoai để khi rán khoai không bị nhăn. Để dầu, mỡ sôi già, cho khoai vào chiên vàng đều, lấy khoai ra rổ nhôm cho ráo dầu, cho muối tinh vào xóc đều (lượng muối nhiều ít, tùy thuộc vào lượng khoai).


Công dụng của bia trong nấu nướng



Trước khi luộc gà, bạn rưới một cốc bia lên gà rồi để từ 10 - 15'''' mới đem luộc, thịt gà sẽ ngon, mềm và thơm hơn.



Khi rán cá cũng vậy, bạn hãy cho vào chảo một chút bia, cá sẽ không bị dính vào chảo mà còn rất thơm.

Thịt bò muốn rút ngắn thời gian đun nấu và dậy mùi thơm, bạn hãy dùng bia thay nước để nấu.


Nấu món ăn có pha rượu



Khi nấu những món ăn có pha rượu, bạn nên chia lượng rượu cần nấu làm 2 phần. Một phần cho vào trước khi nấu, phần còn lại khi thức ăn đã chín mới cho vào, cách này sẽ giữ được mùi thơm của rượu.


Hấp thức ăn mau chín



Đổ nhiều nước, đậy nắp kín, lửa vừa. Bạn nên xếp các món hấp chen nhau và nhiều khe hở để hơi nóng được tỏa đều các nơi.



Giảm vị mặn trong món ăn



Nếu lỡ nêm muối quá tay vào món ăn, để chữa bớt vị mặn, bạn không nên đổ thêm nước vào, món ăn sẽ mất ngon. Cách tốt nhất là bạn nêm vào món ăn một chút đường sẽ cân bằng được vị mặn.



Tráng trứng được xốp



Để trứng tráng được xốp, nổi phồng, trước khi tráng bạn cho một chút bột nở vào đánh đều (hãy đánh theo một chiều).



Nấu nước dùng trong



Để nước dùng trong, trước khi ninh bạn hãy đun sôi xương một lần rồi đổ nước đầu đi. Cho tiếp nước lã vào đun sôi rồi mới cho xương vào, trong quá trình đun không được đậy vung, để nhỏ lửa và hớt bọt liên tục. Nướng củ hành khô, rửa sạch, đập dập cho vào nồi xương đang ninh, nước xương sẽ được thơm.


Rang cơm



Muốn cơm rang được săn dẻo, bạn không được rang cơm khi vừa mới nấu chín còn nóng. Để cơm thật nguội, từng hạt phải tơi rời nhau mới đạt yêu cầu. Bắc chảo dầu nóng, phi hành thơm, cho cơm vào đảo trên lửa lớn đều tay.




Nguồn: Monngonsaigon.com

một vài mẹo vặt trong chế biến món ăn

Với những món tưởng chừng đơn giản như chiên thức ăn hoặc chế biến trứng, đậu phụ... bạn cũng cần có bí quyết riêng để món được ngon hơn. Một vài mẹo vặt trong việc chế biến món ăn sẽ giúp bạn dễ làm món hơn cũng như giữ được hương vị tươi ngon của món.


Chiên thức ăn

Chiên thức ăn trong dầu nên đổ dầu ngập vừa đủ, tránh cho dầu nhiều quá nửa chảo vì khi cho thực phẩm vào chiên dầu sẽ văng ra.




Cách thử độ nóng của dầu vừa đủ hay không là khoảng 175-1900C. Nếu không có dụng cụ đo nhiệt, có thể thử bằng cách thả mẩu bánh mì khô vào dầu. Nếu miếng bánh mì vàng đều là dầu vừa đủ nóng, nếu bị cháy đen ngay là dầu quá nóng và nếu xung quanh mẩu bánh dầu nổi bột bong bóng thì nhiệt độ vẫn còn chưa đủ.

Khi chiên thức ăn, dầu canola (một loại dầu ăn làm từ hạt hoa cải) là lựa chọn tốt nhất bởi tính chịu nhiệt cao, không dễ bị phân huỷ. Dầu ôliu chỉ tốt khi dùng để ăn sống (trộn với salad) hay xào thức ăn, nhưng dưới nhiệt độ cao khi chiên thức ăn thì hoàn toàn không nên dùng dầu ôliu.


Chế biến trứng

Khi chế biến trứng, nên để trứng ở nhiệt độ phòng (lấy ra khỏi tủ lạnh khoảng 30 phút trước khi nấu) sẽ tốt hơn vì trứng lạnh sẽ dễ bị nứt khi luộc, đóng cục hay chiên, và sẽ không nổi khi đánh trứng lúc làm bánh.

Nếu bạn cần chế biến ngay mà không có nhiều thời gian chờ cho trứng lạnh trở thành nhiệt độ phòng, nên ngâm trứng vào tô nước ấm (không ngâm nước sôi) khoảng 5-10 phút là có thể dùng được.



Khi cần tách riêng lòng trắng lòng đỏ, dùng trứng mới và lạnh sẽ dễ tách hơn. Đập trứng vào cái phễu, lòng trắng sẽ chảy xuống phễu, lòng đỏ sẽ còn lại trong phễu.

Khi cần đánh nổi trứng hay lòng trắng trứng, các dụng cụ tiếp xúc trứng phải sạch, không dính dầu mỡ hay bơ, nếu không trứng sẽ không nổi. Nếu chỉ cần sử dụng lòng trắng trứng, cho phần lòng đỏ còn lại vào một chén nước lạnh hay sữa và cất vào chỗ tối. Khi dùng, chỉ cần đổ sữa hay nước đi, lòng đỏ vẫn còn tươi nguyên.

Thêm một ít bột chanh hoặc vỏ chanh khô mài nhuyễn vào các món bánh để làm giảm mùi tanh của trứng.

Nếu không có dụng cụ cắt trứng, nhúng dao vào nước nóng, khi cắt trứng sẽ không bị vỡ.


Chế biến đậu phụ

Đậu phụ mua về nên cho vào luộc sơ trong nước sôi có dằn chút muối, trút ra rổ để ráo nước, đậu phụ sẽ mềm và tươi hơn.

Trước khi chiên đậu phụ nên để thật ráo, hoặc dùng nhiều khăn giấy bao lại, dùng thớt hay vật nặng đè lên miếng đậu phụ khoảng 15-20 phút cho ra hết nước.



Trẻ nhỏ có thể ăn đậu phụ sống, nhưng tốt hơn hết là hấp cách thuỷ khoảng 5 phút để diệt các vi khuẩn có trong đậu phụ có thể gây khó chịu cho đường ruột của trẻ.

Đậu phụ trứng, đậu phụ non, óc đậu là những loại đậu phụ mềm, mịn làm từ đậu nành nguyên chất, rất dễ vỡ nên khi dùng chế biến món ăn cần nhẹ tay. Có thể tẩm đậu phụ qua bột hoặc lăn vào trứng gà trước khi chiên để đậu phụ không bị vỡ. Khi hấp món ăn, tránh để nguyên liệu nặng hơn lên đậu phụ mà nên đặt đậu phụ lên trên cùng.



Nguồn: Monngonsaigon.com

mẹo làm và bảo quản cua, ghẹ

Cua, ghẹ mang về đừng thả luôn vào nước vì sau một chặng đường mệt nhọc, nắng nóng, chúng sẽ bị "chết cảm".


Còn với cua ghẹ đã được ủ bằng đá, dù đang tươi sống thì khi đó, chân, càng của chúng cũng tê cóng và dễ rụng tức thời ngay khi tiếp xúc với nước. Sau đây là một số gợi ý khác:

Cách làm


Để nguyên dây trên mình cua, ghẹ nếu có (để an toàn), rồi lấy tay lật cái yếm dưới bụng lên, dùng dao nhọn chọc thẳng vào chỗ hõm, đến khi chân và càng của nó duỗi ra thì lột bỏ yếm và cả phần trứng xốp bên ngoài yếm (nếu có).

Tháo bỏ dây xung quanh, dùng bàn chải (tốt nhất là bàn chải dùng đánh răng) cọ khắp xung quanh cho sạch và cho vào nồi. Khi chín tới (sau khi sôi vài phút), phải vớt ra ăn nóng ngay. Nếu không, cua, ghẹ sẽ không còn chắc và ngọt nữa.


42.jpg


Cách bảo quản lạnh cua, ghẹ sống

Bạn nên chế biến cua khi chúng còn tươi sống và tốt nhất là ngay khi mua về. Cua rất khó bảo quản và chúng rất dễ chết. Nếu bạn không chế biến ngay được thì bảo quản chúng trong một cái thùng lạnh, đặt ở nơi thoáng mát. Nhớ cho đá xuống dưới đáy thùng, cho một cái khay hoặc đĩa lên trên rồi mới để cua vào, tránh để cua trực tiếp vào đá, nó sẽ chết.

Nắp thùng nên hé một chút để có không khí lọt vào. Nhớ chặn cái gì đó nặng lên trên để cua không bò ra ngoài được.

cách ngâm mộc nhĩ, nấm và măng khô

Đó là những nguyên liệu thường xuyên được sử dụng để chế biến các món ăn trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ vẫn chưa tự tin lắm khi lựa chọn và sử dụng mộc nhĩ, nấm và măng khô. Dưới đây là một vài điều bạn cần lưu ý khi dùng chúng.


Cách ngâm mộc nhĩ:

- Muốn cánh mộc nhĩ nở to, mềm, mùi vị thơm, thì dùng nước gạo đun sôi.

- Còn nếu bạn "khoái" ăn mộc nhĩ giòn, hãy ngâm bằng nước lã.

- Mộc nhĩ đen dễ dính đất, cát và mạt gỗ. Muốn cho sạch, bạn có thể dùng nước muối (trọng lượng bằng 1/10 trọng lượng mộc nhĩ) để rửa. Khi rửa vò đều nhẹ tay, chờ nước chuyển đục thì dùng nước sạch tráng kỹ lại.


alt
Nấm mộc nhĩ


Cách ngâm nấm:

- Cho nấm đã rửa sạch và thái xong vào ngâm với nước ấm pha đường (1 muỗng canh đường cho 4 cốc nước), nấm sẽ hấp thụ nước nhanh, giữ được hương vị, sau khi nấu có vị ngọt và thơm.

Cách phân biệt nấm độc:

- Đặc điểm của nấm độc là màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, khi hái về dễ đổi màu, bóp nước ra đục như sữa bò.

- Nấm ăn đa số có màu trắng, nâu nhạt, bóp nước ra trong như nước lọc.


alt
Nấm hương


Cách ngâm măng khô để ăn dần:

- Cho măng khô vào nồi kim loại, đổ đầy nước đun sôi 30 phút, sau đó đun nhỏ lửa một lúc nữa rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già.

- Tiếp đó, dùng nước gạo hoặc nước sôi để ngâm ăn dần, 2-3 ngày thay nước một lần.

- Đến khi nấu thái thành miếng, măng rất mềm và thơm ngon.


alt
Măng khô


MonngonSaigon.com

5 mẹo nhỏ đảm bảo dinh dưỡng trong ăn uống

Một chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng chính là chìa khoá cho sức khoẻ. Tuy luôn ý thức được điều này nhưng đôi khi, bạn vẫn mắc một số lỗi không đáng có. Dưới đây, là 5 mẹo nhỏ đảm bảo các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

1. Không tích trữ nhiều trái cây và rau xanh



Sau khi được hái xuống hay thu hoạch, trái cây và rau xanh sẽ bắt đầu mất dần vitamin và các nguyên tố vi lượng. Vì thế, việc bảo quản chúng suốt một tuần trong tủ lạnh chỉ càng làm lượng vitamin và nguyên tố vi lượng “thất thoát” nhiều hơn mà thôi. Và đến khi “đánh chén” hay nấu nướng, các giá trị dinh dưỡng trong trái cây và rau xanh có thể sẽ về con số không.

Giải pháp: áp dụng nguyên tắc là “mua ít, nhiều lần”. Nếu bạn không có thời gian đi chợ hàng ngày, bạn nên mua các loại rau xanh và trái cây đông lạnh, bởi quá trình làm đông lạnh sẽ bảo quản tốt các vitamin và nguyên tố vi lượng.

5 mẹo nhỏ đảm bảo dinh dưỡng trong ăn uống
Ảnh: wordpress

2. Hạn chế đồ ăn sẵn



Nhìn chung, các đồ ăn sẵn thường nhiều muối, axit béo và nghèo các chất xơ cũng như thành phần dinh dưỡng.

Chúng ta nên tận dụng các đồ ăn tươi mới, nhưng nếu quá bận rộn, có thể lựa chọn các hộp ngũ cốc toàn phần và hạn chế đến mức tối đa các sản phẩm đóng gói nhiều axit béo. Một mách nhỏ là khi chọn nước xốt cho món ăn, bạn nên ưu tiên nước xốt dầu giấm ít béo.



3. Tránh ăn bên ngoài và đặt đồ ăn giao tận nhà



Việc ăn ở nhà hàng hay đặt đồ ăn về nhà khiến bạn khó kiểm soát được thành phần của bữa ăn. Và mặc dù chúng ta được quyền chọn đồ ăn theo thực đơn nhưng thực tế chúng ta vẫn không biết được giá trị dinh dưỡng và mức năng lượng của món ăn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần nhớ rằng đồ ăn nhanh là một trong những thủ phạm chính gây ra đại dịch béo phì trên thế giới đấy.

Nếu là fan của hămbơgơ, pizza, sandwich, tại sao bạn lại không thử tự làm chúng ở nhà? Như thế, bạn vừa biết cân bằng các chất dinh dưỡng mà vẫn đáp ứng được sở thích của bản thân.

5 mẹo nhỏ đảm bảo dinh dưỡng trong ăn uống
Ảnh: timnhanh

4. Tận dụng các thành phần dinh dưỡng của mỗi món ăn



Một số loại hoa quả, thay vì vắt hay xay chúng ra làm sinh tố, tại sao bạn lại không ăn chúng luôn như quýt và cam chẳng hạn, ăn từng múi sẽ cho bạn chất xơ đấy! Đối với táo, nên rửa sạch và ngâm kĩ để ăn cả vỏ bên ngoài bởi vỏ táo chứa phần lớn các chất chống ôxi hoá.

Khi nấu nướng các món ăn cần có tỏi, nên bóc vỏ trước khi xào nấu khoảng 15 phút để các chất chống ôxi hoá trong tỏi được phát huy tốt nhất.



5. Không kiêng những loại hạt bị coi là giàu chất béo



Lạc, vừng, hạt dẻ… bị bạn loại khỏi chế độ ăn uống bởi bạn sợ chúng cung cấp quá nhiều calo. Tuy nhiên, thực tế, chất béo trong các loại hạt này là chất béo không bão hoà, loại chất béo có lợi cho sức khoẻ. Vấn đề là bạn chỉ cần điều chỉnh mức độ hài hoà khi tiêu thụ chúng mà thôi.

Theo Dân trí